Xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo đề ra từ hơn mười năm nay. Từ đó đã xuất hiện những mô hình hoạt động mới, lạ trong các nhà trường nhằm hướng đến mục tiêu trên. Trong bài viết này tôi xin chia sẻ về hoạt động tại trường mình trong việc thực hiện “Trường học thân thiện” trong chính tiết sinh hoạt lớp hàng tuần.
Tiết sinh hoạt lớp, theo điều lệ trường phổ thông chính là một tiết học chính khóa trong tuần, do giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Nhưng từ lâu hầu như tiết sinh hoạt lớp đối với học sinh có cái gì đó nặng nề, không thích thú, có khi tiết này nhìn giống như một… phiên tòa, vì ở đó có người thưa, người kiện, người khiếu nại, người thắc mắc… rồi xử, rồi phạt và có cả cãi vã. Giáo viên chủ nhiệm nếu chưa có kinh nghiệm thì sẽ dễ gây sự mất đoàn kết trong lớp học qua việc giải quyết các tình huống xảy ra ở lớp của mình trong một tuần. Đặc biệt tiết sinh hoạt lớp hình như là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, nhất là những học sinh thường hay vi phạm nội quy. Nhiều em còn ví von tiết sinh hoạt lớp là giờ bị “hành tội” nên lo sợ, căng thẳng.
Xuất phát từ những thực tế đó, ban giám hiệu cùng giáo viên trường tôi đã tìm cách làm mới, thay đổi nội dung trong tiết sinh hoạt lớp trong phạm vi toàn trường. Qua nhiều năm thực hiện và mỗi lúc mỗi rút kinh nghiệm, bổ sung cái hay, cái lạ và có thể nói tiết sinh hoạt lớp giờ đây ở trường của tôi học sinh trở nên thích thú, thậm chí các em còn trông mong đến tiết sinh hoạt lớp. Điều mà trước đây chưa từng có!
Trong thời lượng 45 phút của một tiết sinh hoạt lớp, phân nửa thời gian đầu giáo viên chủ nhiệm sẽ dành cho việc tổng kết tuần và đưa ra phương hướng hoạt động cho tuần tới. Những hoạt động trong một tuần của lớp được tái hiện lại thông qua bảng tổng kết của các tổ, những nhận xét của ban cán bộ lớp về tình hình học tập và thực hiện nội quy, những ý kiến, thắc mắc của các em học sinh trong lớp được giáo viên chủ nhiệm giải đáp cặn kẽ, công bằng... sau đó chọn ra tổ và các cá nhân, tiến bộ, xuất sắc trong tuần để khen và thưởng, phần thưởng là những quyển tập, bút… được trích từ quỹ của lớp để mua.
Chính việc làm kịp thời này là nguồn động viên những học sinh có tiến bộ trong tuần đồng thời cũng nhằm nhắc nhở những em chưa thực hiện tốt nội quy khắc phục trong tuần sau. Giáo viên chủ nhiệm cũng được hướng dẫn điều này: đó là những em sai phạm các lỗi lớn, thường xuyên, ít sửa chữa thì giáo viên chủ nhiệm làm việc riêng với những em này sau giờ sinh hoạt lớp hay vào dịp khác, chứ không làm ngay tại lớp.
Phần còn lại của tiết sinh hoạt lớp mang tên “Tiết mục thân thiện”. Ban đầu, do giáo viên chủ nhiệm tổ chức, để tập dần cho các em làm quen. Theo đó giáo viên tổ chức cho các em chơi những trò chơi dân gian, hay là những câu hỏi đố vui, các tiết mục văn nghệ trên tinh thần vui tươi, thoải mái, thân thiện. Có thể nói chính trong những hoạt động thân thiện này giúp các em bớt căng thẳng sau một tuần học tập, qua đó giáo viên còn có điều kiện nắm bắt năng lực, năng khiếu nhằm phát huy năng khiếu của các em.
Rồi dần dần giáo viên chủ nhiệm giao cho các tổ luân phiên tổ chức các “tiết mục thân thiện” này. Các tổ rất thích thú vì có điều kiện để giới thiệu những trò chơi, câu đố, ngâm thơ, kể chuyện… trước tập thể. Đặc biệt, tiết sinh hoạt lớp cuối mỗi tháng sẽ được lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua nội dung “dạy học làm người”. Nội dung dạy học làm người được thực hiện dưới hình thức các câu chuyện do giáo viên chủ nhiệm chọn lọc, sưu tầm và kể cho học sinh nghe. Mỗi câu chuyện đem đến một thông điệp, một ý nghĩa nhân văn nào đó. Từ đó giúp cho các em có dịp tự cảm nhận, tự soi rọi lại bản thân mình mà nghĩ suy, sửa đổi.
Với cách làm mới tiết sinh hoạt lớp này ở ngôi trường của tôi, tất nhiên đòi hỏi nhiều vào sự đầu tư của giáo viên chủ nhiệm. Và kết quả không thể thấy ngay ngày một ngày hai. Nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất chính là đã thổi một luồng gió mới, thân thiện vào những tiết sinh hoạt lớp, và tôi cũng đã thăm dò những phản hồi của học sinh lớp mình cũng như các lớp khác, tôi đều ghi nhận sự thích thú, hưng phấn của học sinh khi kể về tiết sinh hoạt lớp của lớp mình. Với tôi đó đã là niềm vui của mình trong cuộc đời dạy học.